Review sách - Giận
5 min read

Review sách - Giận

Review sách - Giận

Tác giả: Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Mình đọc quyển sách này với mong muốn tìm ra được một cách để kiểm soát cảm xúc và làm cho bản thân mình không còn dễ nóng giận khi có những điều xảy ra không theo ý muốn.

Bản thân mình đã thực tập thiền và thở sâu trong khoảng thời gian gần đây. Tuy nhiên, mình chưa có một ý thức rõ ràng rằng thở trong chánh niệm sẽ hiệu quả để kiểm soát cảm xúc đến đâu.

Quyển sách này như một bài pháp thoại giúp cho bản thân mình có một cái nhìn thấu đáo hơn về bản chất của sân hận và cách sử dụng chánh niệm để kiểm soát nó.

Thầy đã mở đầu bằng một câu rất sâu sắc:

Hạnh phúc có nghĩa là ít đau khổ. Nếu không chuyển hóa được đau khổ thì không thể nào có hạnh phúc

Để có được hạnh phúc, ta cần buông bỏ những sân hận trong lòng. Phương pháp để buông bỏ sân hận, nóng giận chính là thực hành hơi thở trong chánh niệm

Thầy cũng có một phân tích rất hay về cội nguồn của sân hận

Sân hận, bực bội, tuyệt vọng tất cả đều có gốc rễ từ thể chất của ta và các thức ăn ta tiêu thụ. Ta phải có một kế hoạch ăn uống, tiêu thụ như thế nào để cho khỏi phải bị sân hận, bạo động xâm chiếm. Ăn uống là một khía cạnh của văn minh xã hội. Cách ta chế tác thức ăn, các loại thực phẩm ta tiêu thụ, cách ta ăn uống tất cả đều có quan hệ tới nền văn minh bởi vì sự lựa chọn của ta trong việc ăn uống có thể đem lại hòa bình và làm vơi bớt khổ đau.

Cơn giận xuất phát từ một tri giác sai lầm. Tất nhiên trong cuộc sống, không ai có thể tránh khỏi những phút giây khó chịu và làm cho mình muốn bùng nổ. Phương tiện để kiểm soát cơn giận chính là việc bình tĩnh thực hành hơi thở chánh niệm. Hơi thở chánh niệm sẽ tạo ra năng lượng chánh niệm và từ đó chuyển hóa cơn giận (năng lượng tiêu cực) trở thành tích cực.

Thầy xem những cảm xúc tiêu cực, giận - sân hận chính là rác. Phải có rác thì chúng ta mới có phân bón.

Chúng ta không nên cố gắng quên đi cơn giận, mà phải đối diện với nó - phải nhận thức rằng ta đang giận. Ngồi xuống - ôm ấp cơn giận trong lòng và dùng hơi thở chánh niệm để vuốt ve nó.

“Bụt không bao giờ khuyên ta đè nén cơn giận. Bụt dạy chúng ta trở về với tự thân và chăm sóc cơn giận.Khi cơ thể có bệnh, hoặc bệnh ruột, hoặc bệnh gan, ta phải gác bỏ tất cả mọi chuyện khác để săn sóc bệnh. Cơn giận của ta cũng là một bộ phận trong cơ thể, như ruột, gan vậy. Khi giận ta phải trở về với tự thân và săn sóc cơn giận của ta. Ta không thể nói, "Này cơn giận, mày hãy biến mất đi! Ta không muốn có mày ở đây." Khi đau bao tử ta có bao giờ bảo cái bao tử: "Này bao tử, mày hãy cút đi! Ta không có muốn có mày ở đây!" Ta chăm sóc bao tử của ta. Cũng vậy, ta phải ôm ấp và chăm sóc cơn giận của ta. Ta nhận diện cơn giận, ôm ấp nó và mỉm cười. Năng lượng giúp ta làm được điều đó là năng lượng của chánh niệm, của bước chân chánh niệm, của hơi thở chánh niệm.”

Ta nên bày tỏ với người xung quanh ta rằng ta cần được giúp đỡ để xua tan đau khổ vì cơn giận gây ra.

Ta cũng cần tìm hiểu cội nguồn của cơn giận để có một cách nhìn đúng về bản chất sự việc. Khi đã hiểu ra nguồn gốc của cơn giận ta sẽ tìm ra cách để tháo gỡ nó.

Việc thiền hành hàng ngày, đi hoặc thở trong chánh niệm sẽ tạo cho ta nhiều năng lượng của chánh niệm. Chính điều này sẽ giúp cho ta vượt qua những cảm giác sân hận nếu chúng đến.

Khi chuyển hóa sân hận - ta nên thực hành điều đó cùng với người ta yêu thương đang giận ta / hoặc là cội nguồn của cơn giận của ta.

Sử dụng ái ngữ (những lời nói yêu thương) để người thương ta biết rằng ta đang giận và cần được giúp đỡ.

Đối với những trường hợp 2 người đã mâu thuẫn với nhau từ rất lâu, thầy khuyên ta nên tìm cách tưới tắm lại cảm xúc tích cực của hai người (thầy dùng một cụm từ rất hay “tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc”) - viết cho nhau những bức thư gửi gắm tình cảm và thổ lộ cho đối phương hiểu được bản thân mình đang muốn hàn gắn lại mối quan hệ.

Xuyên suốt quyển sách là một thông điệp của thầy về sử dụng chánh niệm, từ bi để từ đó buông xả được phiền não, giận dữ - chuyển hóa nó thành sức mạnh tích cực cho bản thân.

Cám ơn thầy!