Một số luận điểm về phát triển sản phẩm

Luận điểm 1 – Just in time
Phát triển vừa đủ – đúng thời điểm. Không thiết kế và phát triển dư thừa.
Trong phát triển sản phẩm, mỗi dòng code dư thừa hoặc một feature dư thừa đều sinh ra chi phí bảo trì tương ứng. Hơn thế nữa, mọi phần mềm đều có những ràng buộc về chi phí (bao gồm thời gian, nhân lực và mức tiền đầu tư để phát triển sản phẩm. Để chi phí được quản lý hiệu quả, việc áp dụng nguyên lý Just in time là cực kì cần thiết.
Luận điểm 2 – Độ ưu tiên của tính năng phải tương ứng với giá trị đem lại cho người dùng
Việc quyết định feature nào cần phát triển theo thứ tự phải được đặt trên nguyên lý cung cấp giá trị. Feature nào cần thiết nhất phải được phát triển trước nhất.
Luận điểm 3 – Giải quyết nhu cầu của các stake holder
Có 3 stake holder quan trọng nhất của quy trình phát triển sản phẩm:
- Người trả tiền để phát triển sản phẩm
- Người phát triển sản phẩm
- Người sử dụng cuối.
Rất nhiều sản phẩm thất bại vì đường hướng phát triển đi theo nhu cầu của Người trả tiền cho phát triển sản phẩm và người phát triển sản phẩm. Tuy nhiên:
Sản phẩm sẽ chết non nếu người trả tiền phát triển sản phẩm ngừng cung cấp budget.
Sản phẩm sẽ thất bại nếu người dùng cuối không muốn sử dụng.
Vì vậy phải luôn cân nhắc và cân bằng các nhu cầu này trong quá trình phát triển sản phẩm.
Luận điểm 4 – Phát triển tinh gọn
Một nhóm phát triển sản phẩm ở giai đoạn start up chỉ cần một số thành viên vừa đủ để phát triển. Chỉ mở rộng nhân sự nếu thật sự cần thiết. Không áp dụng những quy trình phần mềm cồng kềnh và các chiến lược phát triển gây tốn chi phí.
Luận điểm 5 – Phát hành liên tục
Một sản phẩm cần được update liên tục để cung cấp giá trị về niềm tin và innovation cho người dùng. Mỗi chu kì phát hành không nên vượt quá 6 tháng.
Có nhiều cách để triển khai chiến lược phát hành liên tục:
- Giữ cho thời gian giữa các đợt phát hành chính thức không quá dài
- Bên cạnh những bản phát hành chính thức, các phiên bản milestone được phát hành liên tục trong vài tuần
- Cung cấp các bản vá lỗi trong tuần với những phản hồi nhanh chóng
Chiến lược phát hành liên tục cũng đi kèm với chi phí phát triển vì nó đòi hỏi việc tổ chức lực lượng phát triển một cách hiệu quả, nhanh chóng.
Luận điểm 5 – Dog feeding
Dog feeding là một thuật ngữ ám chỉ: người phát triển sản phẩm phải sử dụng sản phẩm cho chính nhu cầu bản thân họ. Mỗi khi phát hiện ra những điểm bất hợp lý hoặc các tính năng cần nâng cấp, người phát triển sản phẩm là một trong những người đầu tiên phản hồi và tích cực đưa ra giải pháp để nâng cấp sản phẩm.
Một số công ty hàng đầu về phát triển sản phẩm áp dụng chiến lược này để kích thích tinh thần phát triển sản phẩm của nhân viên.
Một trong những cách để triển khai chiến lược này là cung cấp một môi trường dùng thử cho nhóm phát triển sản phẩm. Đồng thời đưa ra các chính sách khuyến khích những hoạt động phản hồi trên tính năng sản phẩm. Giá trị then chốt của luận điểm này là kích thích tính sở hữu của những nhà phát triển sản phẩm. Họ cần phải là những người sử dụng chính đứa con của họ.
Luận điểm 6 – Cộng tác và tích hợp liên tục
Một môi trường phát triển sản phẩm tốt là môi trường mà các nhà phát triển phối hợp với nhau liên tục và tích hợp liên tục để cung cấp các tính năng sản phẩm. Tùy thuộc vào quỹ tài chính, các công ty phát triển sản phẩm có thể đầu tư để mua một số công cụ để hỗ trợ cho nhu cầu này. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất vẫn là yếu tố tư duy và văn hóa của tổ chức.
Một số practices thường được áp dụng cho việc cộng tác và tích hợp liên tục:
- Cần một không gian làm việc nhóm mà các thành viên có thể làm việc và trao đổi thoải mái cùng nhau.
- Xóa bỏ các rào cản ảnh hưởng đến giao tiếp. Ví dụ: các vách ngăn tạo không gian riêng của cá nhân.
- Sử dụng bảng để trao đổi, brainstorming.
- Cung cấp công cụ hỗ trợ build và tích hợp nhanh chóng.
- Viết script để tự động hóa quá trình build và deploy sản phẩm nhanh chóng hiệu quả. Thông thường quá trình build và deploy 1 sản phẩm để có thể dùng thừ được ngay không nên vượt quá 5 phút.