Lãnh đạo nhóm trong 18 ngày - ngày 3
9 min read

Lãnh đạo nhóm trong 18 ngày - ngày 3

Lắng nghe và thấu hiểu

Nhiều người thường nghĩ: làm lãnh đạo phải nói thật hay, diễn thuyết thật tài. Nếu bạn đã đọc xong bài viết trước “Ngày 2 – Diễn đạt trơn tru điều muốn nói”, có lẽ bạn sẽ có cùng suy nghĩ tương tự. Riêng cá nhân tôi, tôi cho rằng người làm lãnh đạo thì cần phải học cách nghe nhiều hơn cách nói.

Một sai lầm thường gặp ở những người sếp đó là: họ đã quen “nói” rất nhiều – vì nhu cầu công việc: thuyết phục đối tác, cổ súy tinh thần, khơi dựng phong trào, vận động tư tưởng… Một lý do khách quan nữa là họ có thời gian quá ít để lắng nghe “đủ”. Lâu dần, họ quên mất đôi tai của chính mình.

Riêng đối với các bạn trẻ, máu huyết của bạn luôn sục sôi với lý tưởng, lòng tin vào bản thân. Vì lẽ đó, bạn thường nghĩ đến cách thể hiện mình hơn là lắng nghe ý kiến, chia sẻ với mọi người. Điều này làm bạn dễ bị cô lập với những người xung quanh. Tệ hại hơn nữa, có lúc người ta gán cho bạn biệt danh là “cố chấp” vì bạn ko hiểu được những người xung quanh. Những ngày đầu chập chững đi làm, tôi cũng đã từng là một con người như thế.

Sau này, tôi phát hiện ra một nguyên lý: để lãnh đạo một tập thể, điều cần thiết nhất đó là lắng nghe – chia sẻ và thấu hiểu họ. Người ta chỉ lắng nghe bạn, mở lòng ra với bạn nếu họ thấy rằng bạn đang hiểu và quan tâm đến họ. Nếu bạn làm lãnh đạo, mà chẳng ai lắng nghe bạn thì dù bạn là thiên tài cũng không dẫn dắt họ được.

Để tiết kiệm “giấy” và tránh mỏi mắt cho bạn, từ đoạn này tôi xin tạm dùng từ “nghe” để thay thế cho cụm từ “lắng nghe và thấu hiểu”.

Các mức độ nghe

Tôi cho rằng “nghe” cũng như võ công trong truyện kiếm hiệp. Nó cũng có thứ bậc hẳn hòi. Tôi chia nó ra thành các mức độ dưới đây từ thấp đến cao:

1. Nghe suông: mọi thứ người khác nói chỉ thoáng qua tai bạn. Bạn chẳng quan tâm ai nói gì và chỉ chăm chăm vào điều bạn đang nghĩ.

2. Nghe – lấy thông tin: người ta nói, bạn chỉ ghi nhận lại thông tin họ nói – không cần xét bản chất bên trong hoặc thật sự người đó muốn nói gì.

3. Nghe – hiểu bản chất: nghe ở mức độ này đòi hỏi bạn tập trung toàn suy nghĩ vào điều người ta nói – kết hợp vận dụng tư duy, phán đoán, suy luận để hiểu được hoàn toàn nội dung, bản chất điều người ta đang phát biểu.

4. Nghe – thấu hiểu: đây là mức độ tôi cho là tối cao của “công phu nghe”. Đạt được mức này, bạn không cần nghe người ta nói bạn cũng có thể biết được họ nói/muốn gì. Lúc này, bạn không phải chỉ nghe bằng lời mà “nghe bằng ánh mắt, quan sát hành động, thái độ” để phán đoán thông tin.

Những sai lầm thường gặp trong kĩ năng nghe

 Tôi làm việc với rất nhiều người từ nhân viên đến cấp bậc quản lý. Khi quan sát họ, tôi phát hiện ra nhiều sai lầm mà đôi khi chính bản thân tôi cũng vấp phải khi “nghe” người khác.

1. Luôn cố gắng một cách giả tạo để người ta nghĩ rằng mình đang nghe họ
Những người thuộc mẫu này thường hay gật đầu trước khi người khác nói hết câu hoặc hay “ừ, à” vào những thời điểm không đúng lúc người ta diễn đạt hết ý. Vì cố gắng thể hiện như vậy, nên sự tập trung vào nội dung/suy nghĩ của người đang phát biểu cũng giảm sút. Kết quả là họ thường không hiểu đúng được cái người ta đang nói.

2. Luôn muốn thể hiện “người ta không cần nói mình cũng hiểu”: những người này có xu hướng cướp lời người khác, chêm vào đó những tiên đoán của mình để thể hiện mình có năng lực hơn họ/có năng lực hiểu họ.

3. Luôn tập trung vào suy nghĩ của mình thay vì lắng nghe người đối diện: đây là biểu hiện thường gặp của các bạn trẻ. Hiện tượng này cũng hay xảy ra khi bạn rơi vào các cuộc tranh luận. Mỗi khi tranh luận, bạn cứ nghĩ: mình phải tìm cách để bảo vệ quan điểm của mình. Vì lẽ đó, bạn theo đuổi suy nghĩ để tìm ra cách phản bác mà quên đi rằng: hiểu người ta nói gì giúp mình dễ dàng tìm ra được những điểm mấu chốt tương đồng và lý luận để đi tiếp. Nó cũng làm cuộc tranh luận đỡ gay gắt hơn và dễ đi đến những thống nhất có lợi cho cả hai bên/hoặc chọn được giải pháp tốt nhất.

Cái gì làm bạn nghe không tốt?

Theo tôi có 3 yếu tố chính dẫn đến việc mình nghe không tốt:

1/ Chấp: một người anh dạy cho tôi rằng “khi mình vô chấp thì lòng mình mở ra và tiếp thu được nhiều thứ hơn, cuộc sống nhẹ nhàng hơn”. Từ “chấp” ở đây tôi muốn nói đó là suy nghĩ câu nệ về mọi vấn đề. Có những người cứ luôn quan tâm đến cái đúng tuyệt đối/sự hoàn hảo. Khi ai nói gì, cái đầu tiên họ luôn suy xét là người kia nói đúng hay sai. Đây là bức tường cản trở thông tin đi vào đầu bạn.

Sau này, tôi đưa ra một câu châm ngôn của riêng mình để phá vỡ đi cái “chấp” trong lòng: một phát biểu dù ngớ ngẩn đến thế nào cũng có thể đúng ở một vài hoàn cảnh, một chân lý dù được khẳng định mấy ngàn năm cũng có lúc sai – vì thế gian này chẳng có gì tuyệt đối.

2/ Sự ham muốn thể hiện bản thân: như đã đề cập ở phần trên, có những người luôn muốn chứng tỏ mình. Vì vậy, họ nghĩ rằng mình phán đoán suy nghĩ của người khác và thể hiện mình biết họ muốn gì sẽ làm người khác phục. Tôi không bảo phán đoán suy nghĩ của người khác lúc họ nói là sai. Tuy nhiên, trước hết hãy thật sự hiểu họ đã. Ngoài ra, hãy để những suy đoán của mình trong lòng – vì mình đang nghe chứ không phải nói.

3/ Tính kiên nhẫn: bạn thường không tập trung nghe người khác nói, hoặc bạn nghe giữa chừng thì chuyển về suy nghĩ của mình. Có 2 lý do: một là bạn hay “chấp” hoặc là bạn thiếu sự kiên nhẫn. Để lắng nghe và hiểu một người, đức kiên nhẫn là yếu tố quan trọng. Hãy để họ trình bày hết ý, lắng nghe thật chăm chú và quan sát tình cảm, thái độ để thấu hiểu họ. Nếu bạn là người nóng vội, bạn không thể làm được việc này một cách tốt nhất.

Làm sao để tôi nghe tốt hơn đây?

Những phần trên là lý thuyết. Bây giờ là thực hành. Bạn có thể thực hành 2 bài tập dưới đây mọi lúc, mọi nơi – trong cuộc sống cũng như công việc. Tôi cam đoan rằng nếu bạn luyện tập nó trong vài tháng, mọi người sẽ có một đánh giá khác về bạn. Bạn sẽ trở thành người được bạn bè tin cậy hơn/chia sẻ nhiều hơn vì bạn “nghe và hiểu họ”.

Bài tập 1: im lặng và tập trung

Mỗi khi nghe người khác trình bày, bạn hãy tập giữ sự im lặng lúc họ đang nói. Điều duy nhất cần làm là tập trung hoàn toàn vào những gì họ trình bày và rút trích ra ý họ đang nói. Đừng phán đoán và suy luận khi họ chưa chấm dứt.

Khi họ nói xong, giờ là lúc bạn suy nghĩ và phán đoán. Sau đó, bạn đưa ra câu hỏi hoặc bước kế tiếp. Nếu bạn chưa hiểu, hãy đặt câu hỏi lúc họ dừng. Nếu bạn đã hiểu, nhưng người kia chưa nói hết điều họ muốn trình bày – hãy khuyến khích họ nói tiếp.

Bài tập này nghĩ đơn giản nhưng rất khó. Khó vì bạn cần giữ sự im lặng và tập trung này theo nhịp trong suốt một cuộc nói chuyện. Lưu ý: điểm nhấn của bài tập này là “tập trung” và “im lặng”. Làm đúng là bạn nói rất ít, nghe rất nhiều (chứ không phải ngược lại).

Bài tập 2: đắm chìm trong tưởng tượng

Để nhập tâm vào điều người khác nói, bạn cần phải có trí tưởng tượng tốt.Đây là một bài tập bổ trợ. Nó không chỉ hữu ích cho kĩ năng nghe mà còn có nhiều tác dụng phụ khác rất tốt cho bạn.

Để làm bài tập này, bạn có thể tìm:
+ Các câu chuyện được người khác đọc lại. Trên các chương trình phát thanh (radio), có mục “Truyện đọc đêm khuya”. Đừng nghe truyện ma 🙂 – vì nó làm ảnh hưởng không tốt đến bạn

+ Các bài nhạc không lời của “Kitaro”. Bạn lên YouTube search “Kitaro” sẽ thấy rất nhiều.

Thời điểm: nên nghe lúc một mình trong không gian yên tĩnh. Tốt nhất là ban đêm.

Cách tập: hãy tập trung vào từng âm thanh đang diễn ra. Nếu bạn nghe truyện đọc, hãy tưởng tượng mình là nhân vật chính trong đó.  Với nhạc Kitaro, hãy nghĩ đến mình đang bước vào một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, nghe tiếng suối chảy, tiếng chim hót …

Nghe đúng =  bạn quên hết tất cả những thứ xung quanh. Bạn sẽ cảm thấy mình hòa nhập vào câu chuyện/âm nhạc.

Sau khi luyện xong với 2 món trên, bạn sẽ áp dụng nó vào cách nghe trong những cuộc nói chuyện. Khi người khác nói, hãy để tâm hồn bạn hòa nhập vào điều họ đang trình bày. Khi bạn nghe người ta đến mức bạn không còn biết đến mọi thứ xung quanh là bạn thành công. Ở cấp độ này, bạn không cần cố gắng chứng tỏ bạn đang cố gắng nghe và thấu hiểu ai đó – vì người ta nhìn thấy sự tác động diễn ra trên gương mặt, ánh mắt của bạn.