Kiến thức - thành quả - cống hiến
3 min read

Kiến thức - thành quả - cống hiến

Kiến thức - thành quả - cống hiến

Các bạn trẻ có rất nhiều câu hỏi hay và thú vị. Sau nhiều buổi trao đổi với các bạn trẻ đồng nghiệp ở những công ty tôi từng làm qua, tôi rút trích một số luận điểm chính để chia sẻ cùng với mọi người – vì tôi nghĩ nó hữu ích.

 Tại sao môi trường tôi đang làm không có gì để tôi học hỏi ?

Tùy theo bạn muốn học điều gì: kiến thức hay kinh nghiệm. Có rất nhiều bạn nghĩ rằng đi làm là để có kiến thức. Quan điểm này không đúng. Thật sự, công ty không phải là trường đại học. Ở trường đại học, thầy cô cho ta kiến thức. Ở công ty, cái chúng ta có là trải nghiệm (hay còn gọi là kinh nghiệm). Bản thân tôi khi đi làm, tôi không mong chờ được công ty đào tạo. Tôi không mong chở được làm trên một kĩ thuật tôi yêu thích. Cái tôi mong đợi là cơ hội cọ xát để tích lũy kinh nghiệm.

Kiến thức và kinh nghiệm thực chất là 2 ý niệm khác biệt. Kiến thức là tích lũy của thông tin, là hình mẫu lý thuyết mô phạm chưa được cọ xát thực tế. Kinh nghiệm là trải nghiệm và vốn sống của bạn. Nó quý giá hơn thứ kiến thức suông rất nhiều lần.

Vì vậy, hãy tự trang bị cho mình kiến thức. Trong công việc, dùng nó để trải nghiệm thay vì mong đợi được trang bị kiến thức cho mình.

Nếu bạn cảm thấy chán nản vì không có gì để học hỏi. Hãy tự hỏi lại bản thân mình: thực sự bạn muốn gì? Kinh nghiệm nào bạn đã từng trải qua, kinh nghiệm nào bạn mong chờ được trang bị cho mục tiêu của mình.

Tại sao tôi không được tăng lương?

Dù bạn làm ở bất kì công ty nào, người ta tăng lương cho bạn dựa vào 2 yếu tố:

  • Kinh nghiệm làm việc
  • Thành quả bạn đạt được

Mọi người thường hay nhầm lẫn giữa 2 cặp khái niệm:

  • Kinh nghiệm và kiến thức
  • Thành quả và cống hiến

Tôi muốn giúp bạn phân biệt các cặp khái niệm này để định hướng cho bạn được tăng lương nhanh :). Vì vậy, muốn tăng lương nhanh, hãy đọc các đoạn ví dụ dưới đây để hiểu thật tường tận về những ý niệm này:

Ví dụ 1: Sinh viên ra trường thường có mức lương thấp – vì họ chỉ có kiến thức mà chưa có kinh nghiệm làm việc thực tiễn.

Vi dụ 2: Nam là một nhân viên làm việc rất tích cực. Anh luôn được đưa vào các dự án khó và dễ thất bại. Cuối năm, mức lương của anh tăng thấp vì phần lớn các dự án anh làm đểu lỗ và khách hàng không hài lòng. Anh tự hỏi: tại sao mình cày như trâu mà lương tăng lèo tèo? Dưới đây là câu trả lời:

  • Nam cống hiến rất nhiều để làm cho dự án tốt hơn. Tuy nhiên, Nam không tạo ra được thành quả.  Vì cuối cùng, dự án vẫn thất bại.  

Có nhiều cách để tạo ra thành quả. Tuy nhiên, trước tiên – bạn phải hiểu thành quả là gì.

Thành quả – theo quan điểm của tôi – là kết quả nhìn thấy và chứng minh được với chiều hướng phát triển tích cực.

Bạn là một người lính xông xáo trên chiến trường – nhưng nếu bạn không đạt được quân công – thì không bao giờ bạn được lên vị trí cao hơn

Trong những bài viết sau, tôi sẽ viết nhiều hơn về những chia sẻ khác.

Chào và hẹn gặp lại.