Học
10 min read

Học

Học

Khá lâu mới quay lại chủ đề của Veagle. Mấy tuần vừa rồi mình phải làm khá nhiều, nên không viết tiếp được. Trong bài viết lần này, mình muốn chia sẻ cách mà mình học với các bạn.  Mình sẽ đổi văn phong viết thành dạng hỏi đáp để thay đổi không khí. Những câu hỏi dưới đây là những câu mình rất thường nghe các bạn trẻ thắc mắc.

hoc

Nhiều thứ quá  – học cái gì?

Trong bất cứ ngành nào – lượng kiến thức trong đó đều được đúc kết ít nhất là vài chục, vài trăm đến hàng ngàn năm. Hãy chấp nhận thực tế là bạn không nhét hết kiến thức đó vào đầu được. Vậy, học cái gì?

Câu hỏi này đối với tôi là sai. Câu hỏi đúng hơn nên là: bạn muốn trở thành người như thế nào?

Nếu bạn muốn trở thành một chuyên gia tư vấn – bạn sẽ cần đào sâu vào những vấn đề và tìm cách giải quyết nó bằng giải pháp. Lưu ý là tôi chỉ dừng lại ở cụm từ  vấn đề và giải pháp – chứ không kéo chữ kĩ thuật vào, bạn nhé. Kĩ thuật chỉ là một công cụ để giúp giải quyết vấn đề. Muốn trở thành chuyên gia tư vấn bạn phải đứng ở nhiều góc độ để tìm giải pháp (dù kĩ thuật là một lợi thế của bạn).

Nếu bạn muốn trở thành một nhà doanh nghiệp – vậy thì hãy tập bán hàng, tập quản lý chi phí, doanh thu, tập làm startup…

Vậy, nếu bạn muốn mình trở thành người như thế nào – thì hãy học những điều cần thiết để mình trở thành người như thế ấy. Nếu bạn bảo rằng: em không biết em muốn trở thành người như thế nào. Vậy tôi xin khuyên bạn dừng đọc bài này tại đây vì đọc thêm nữa cũng chẳng giúp gì được cho bạn cả.

Tôi có thể tặng bạn thêm bonus câu chuyện dưới đây trước khi bạn dừng đọc ở đoạn này:

Alice (truyện Alice ở xứ sở thần tiên) nói với con mèo: ông hãy chỉ đường cho tôi đi. Con mèo hỏi: cô muốn đi đâu. Alice trả lời: tôi không biết. Con mèo trả lời: thế thì đường nào cũng vậy thôi.

Trong buổi training về leadership ở CMG gần đây mà tôi được tham gia, tôi rất thú vị khi bạn trainer chia sẻ về: BE – DO – GET vs DO – BE – GET.

Cha mẹ (đặc biệt là ở VN) thường hay khuyên con mình: con ráng học thiệt giỏi (DO) -> sau này thành bác sĩ/kĩ sư/làm quan (BE) -> con sẽ thiệt là hạnh phúc và thành đạt (GET).

Ở văn hoá phương Tây hoặc cách tiếp cận gần đây của nhiều bạn trẻ: tôi muốn làm chủ một startup về ẩm thực (BE) -> tôi học làm đầu bếp, đi thực tập ở một nhà hàng nổi tiếng, đi du lịch để tìm những idea lạ, độc về ẩm thực, tìm bí quyết, lên kế hoạch, tìm kinh phí và triển khai….(DO) -> tôi sẽ hạnh phúc vì tôi làm đúng điều mà mình yêu thích và kiếm sống/ làm giàu từ nó (GET)

Bạn thích đi theo con đường nào? 🙂

Cái danh sách thứ cần học để thành người mình muốn trở thành vẫn dài lắm. Phải làm sao?

Trả lời ngắn gọn: phải thực tế.

Ok. Thực tế là sao?

Bạn đã bao giờ nghe nói về phân tích SWOT chưa? Nếu chưa, bạn hãy đọc đi.

Ngắn gọn về SWOT là: bạn hãy phân tích 4 yếu tố (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, hiểm hoạ).

Đầu tiên, phải hiểu được mình đang mạnh và yếu điểm gì.

Sau đó, hãy xem mình đang có những cơ hội nào để vươn thêm được (dù chỉ nửa bàn chân) đến hình ảnh mình muốn đạt được.

Thế mạnh nào mình đang có giúp mình thành công trong cơ hội đó. Thế mạnh nào cần phải trang bị thêm để tăng xác suất thành công.

Những hiểm hoạ nào xuất phát từ điểm yếu của mình có thể làm mình thất bại. Làm gì để khắc phục?

Học thực tế là: học cái để giúp mình tăng điểm mạnh để thành công, khắc phục điểm yếu làm mình thất bại trong những cơ hội và hiểm hoạ sắp tới.

Đừng nói với tôi là bạn không thấy mình có cơ hội hay ‘hiểm hoạ’ nào. Nó nằm trong kì performance review gần nhất của bạn đấy.

Học kiểu này giúp bạn không cảm thấy mình bị lạc đề hay mất định hướng vì nó phục vụ cho chính nhu cầu phát triển rất thực tế của bạn.

Xin lỗi, em không tìm thấy những cơ hội để đạt được hình ảnh em mong muốn trong công việc hiện tại. Em phải làm sao?

Trả lời ngắn gọn: hãy tạo ra cơ hội cho mình.

Dưới đây là cách mà tôi trả lời cho mình:

  • 9 năm trước, tôi tìm ra hình ảnh mình muốn là gì. Ở thời điểm đó, tôi có một công việc với mức benefit khá tốt. Tuy nhiên, để đánh đổi lấy một con đường để đạt được hình ảnh mình mong đợi – tôi chấp nhận một môi trường offer tôi với nửa mức lương ở công ty trước đó, đổi vị trí từ một IT Manager sang Senior developer. Lý do đơn giản vì: tôi không nghĩ rằng mình sẽ đạt được hình ảnh của mình trong công việc hiện tại.
  • Ở môi trường mới, tôi chấp nhận mọi thử thách, mọi cơ hội để trang bị thêm kiến thức, trải nghiệm. Tôi không ngại việc thay đổi bất cứ một ngôn ngữ hay nền tảng và sẵn sàng chấp nhận tất cả rủi ro để trải nghiệm thực tế. Học từ kĩ thuật đến quản lý, từ hard skill đến soft skill, từ việc phỏng vấn ứng viên đến thuyết phục người ở lại, từ định hướng kĩ thuật đến khả năng code và hiểu từng dòng chi tiết mà người khác đã viết.
  • Mỗi môi trường đều có những thử thách khác nhau. Có thể là quy trình quản lý, có thể là kĩ năng con người, có thể là khủng hoảng về tài chính hay nhân sự. Nếu bạn nghĩ mọi thứ xung quanh là vấn đề – nó không tạo cho bạn sự tiến bộ. Nếu bạn xem đó là những thử thách. Bạn dồn tâm trí, suy nghĩ của mình để đem lại giá trị, thay đổi một phần của một tập thể bạn đang tham gia – làm cho nó tốt hơn. Đó chính là lúc bạn đã trưởng thành qua thực tế.
  • Tôi yêu thích làm sản phẩm. Mỗi lần học một kĩ thuật mới, tôi thường dùng nó để vận dụng vào một sản phẩm, ý tưởng mà tôi đã, đang hoặc sẽ làm. Có thể là website bán hàng của bà xã, hay một ý tưởng mới mẻ loé lên trong đầu. Just do it – vì học không thể chỉ là đọc mà là một quá trình trải nghiệm trên thực tế. Nếu bạn không tìm thấy cơ hội vận dụng cái bạn đang học trong môi trường bạn đang làm việc -> hãy nghĩ ra ý tưởng và làm nó bằng điều bạn muốn trải nghiệm.

Anh chia sẻ lằng nhằng mà nói chung chung quá. Cho ví dụ anh học cái gì cụ thể xem?

Ah, cách đây 4 năm trước – mình có cái cơ duyên được giao để quản lý và phát triển nhóm PHP ở công ty cũ. Thực tế thì mình chẳng có 1 chút xíu kinh nghiệm nào về lập trình PHP ở thời điểm đó. Sự thật phủ phàng là: bạn không thể lead một nhóm nếu bạn không hiểu cái mà người ta đang làm. Đơn giản vì leader là vai trò định hướng và dùng sức ảnh hưởng của mình để làm cho nhóm phát triển. Bạn nào nói rằng lead một team mà không cần biết kĩ thuật mà chỉ cần soft skill và kĩ năng quản lý thì … xin lỗi, mình nghĩ xác suất fail là 80% trừ khi bên dưới bạn là giàn siêu sao.

Mình tự mày mò học PHP từ căn bản của ngôn ngữ đến framework PHP đầu tiên làm trong đời: Symfony. Để có động lực học một cách thực tế nhất (vì thời điểm đó dự án PHP của cty cũng không có nhiều), mình bắt tay vào viết những dòng đầu tiên của Mindimize – một dự án startup để giúp lưu trữ và cấu trúc hoá kiến thức cá nhân ở dạng cây. Nôm na là một knowledge base system dành cho cá nhân.

Khi lao vào làm một sản phẩm thực tế, bạn sẽ phải suy nghĩ rất nhiều về mỗi dòng code viết ra, từng đồng tiền bạn phải chi. Setup một nhóm – suy nghĩ về cách làm việc thế nào cho hiệu quả – công cụ giao tiếp thế nào – quy trình phát triển ra sao – setup hạ tầng … Có những lúc bạn biết mình lựa chọn giải pháp sai lầm, phải trả giá bằng 1 khoản tiền/ thời gian không nhỏ. Tuy nhiên, đó là trải nghiệm mà bạn học được. Nó xứng đáng với điều bạn đã bỏ ra.

Ngôn ngữ lập trình hay 1 kĩ thuật chi tiết chỉ là một phần rất nhỏ của những điều cần phải học khi bạn lăn xả vào một bài toán và ý tưởng thực tế. Thực tế chính là người thầy quý giá mà bạn phải trân trọng. Tôi không phủ nhận vai trò của những người thầy, sách vở và lý thuyết đã được nghiên cứu và tổng hợp lại. Tuy nhiên, lý thuyết suông thì không mang lại giá trị – đặc biệt là giá trị cho bản thân bạn.

Anh có thói quen tốt/ cách nào để hỗ trợ việc học nhanh và hiệu quả không?

Tôi có chia sẻ trong vài bài viết trước đây: Học cái gì và học như thế nào. Bài viết này sẽ cho bạn nhiều tip chi tiết hơn về cách học. Tuy nhiên, nếu nói về thói quen  làm cho mình học nhanh hơn thì tôi có tập tành cho mình vài điểm:

  • Thường hay follow những experts trong các mảng mà mình đang hướng đến (hoặc quan tâm) trên các mạng xã hội.
  • Đọc sách (nhiều thể loại).
  • Sử dụng mindmap hoặc lối tư duy theo kiểu mindmap: liên kết kiến thức mới với cái mình đã biết để củng cố lượng tri thức đã có.
  • Dành cho mình một budget để đầu tư cho việc nghiên cứu và học tập. Có thể là mua account để học 1 course cụ thể, mua hosting, cloud account, mua RasperryPi để vọc … Nếu bạn thấy 1 khoá học có thể đem lại kiến thức bạn cần – bỏ ra vài đồng, hay vài chục đồng để đầu tư cũng không đáng nếu nó thực sự cần thiết.
  • Phát triển dự án nguồn mở hoặc tham gia đóng góp trong một số dự án nguồn mở cũng là một cách học đào sâu vào thực tế.

Kết

Mình nghĩ bài viết cũng đã đủ dài và làm bạn mỏi mắt. Tốt nhất là nên dừng lại dù còn nhiều câu hỏi khác dang dở đang muốn viết thêm. Nếu bạn có câu hỏi hoặc thắc mắc nào khác thì hãy comment vào bài viết này nhé.

Trân trọng.