Grab/Uber và tản mạn chuyện công nghệ đầu năm
4 min read

Grab/Uber và tản mạn chuyện công nghệ đầu năm

Grab/Uber và tản mạn chuyện công nghệ đầu năm

Nhân dịp  trà dư tửu hậu của cái Tết 2017, mình viết lại vài cảm nhận nho nhỏ loanh quanh 1 câu chuyện công nghệ vừa trải nghiệm.

Ngày cuối năm, mình gọi Vinasun để ra bến xe về quê cùng gia đình. Sau 10 phút không thấy xe đến, cả nhà vớt taxi của hãng khác. Lên xe rồi vẫn không thấy Vinasun hay taxi nào gọi điện báo xe đến. Có lẽ cuộc gọi đã chìm vào quên lãng do ngày Tết cầu vượt cung quá nhiều. Nhớ cách đây không lâu, một lần đi Vinasun được nghe bác tài chia sẻ: Grab hay Uber ko bao giờ qua mặt được các hãng lớn vì các công ty này có quá nhiều tiền để đè bẹp những hãng nhỏ. Các hãng này đang nhập về nhiều xe xịn hơn, ngon hơn để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Mùng 5 Tết, mình đi xe từ quê vợ về bến xe miền Đông. Trước giờ chưa đi Grab hay Uber bao giờ, nên thử cài app dùng thử. Bước xuống xe hỏi giá xe ôm từ bến xe miền Đông về nhà. Mấy bác tài xung quanh báo giá 80k. Mình nghĩ: đường cũng xa và vào dịp Tết nên giá vầy cũng hợp lý.

Nhân tiện, test thử Grab Bike. Mình bật ứng dụng, nhập nơi cần đi và đến. Giá báo trên màn hình: 40.000 VND. Mình hơi bất ngờ. Nhấn Book. Trong vòng không đầy 1 phút, một bác tài gọi điện cho mình và hỏi địa chỉ mình đang đứng. 2 phút sau đã có xe xuất hiện.

Trên đường đi, mình hỏi bác tài để hiểu chi tiết hơn về mô hình và cách hoạt động của Grab/ Uber ở góc độ của các bác tài. Các tài xế sẽ đuợc cung cấp lớp học miễn phí để hiểu cách sử dụng app, nguyên tắc làm việc, quyền hạn và trách nhiệm khi tham gia. Nạp tiền qua Momo để tham gia vào mạng lưới. Mỗi chuyến xe sẽ được hưởng X % và giá được công ty quy định sẵn. Chạy bao nhiêu cuốc thì được hưởng bấy nhiêu, không bị ràng buộc về chỉ tiêu, doanh số như khi tham gia một công ty vận tải cụ thể.

Hỏi ra mới biết: gần như tất cả các bác tài ở thành phố Hồ Chí Minh đều dần chuyển sang làm việc cho mô hình Grab/ Uber, ngoại trừ những bác tài già, hoăc chưa đủ tiền mua smartphone để cài ứng dụng :).

Thực sự mô hình này đang làm thay đổi toàn bộ ngành giao thông vận tải ở các thành phố lớn. Người dùng ngày càng có nhiều sự lựa chọn hơn, tiếp cận dịch vụ với giá rẻ hơn. Các bác tài tìm được nhiều khách hàng hơn, linh động hơn về thời gian và địa điểm đón khách. Giá cả được công bố rõ ràng, cụ thể. Ai cũng thấy vui.

Đôi dòng suy ngẫm về một bức tranh lớn hơn:

  • Để làm cho dịch vụ tốt hơn, cần phải có những suy nghĩ đột phá, những mô hình đột phá. Ý tưởng đột phá chỉ xuất hiện khi có cạnh tranh. Thẳng ruột ra mà nói, nhà nước cần tư nhân hoá những mảng mình ko kham nổi hoặc chưa làm tốt. Việc hỗ trợ mô hình Uber/Grab phát triển là một bước đột phá. Tuy nhiên, nếu nó đuợc nhân rộng qua các mảng khác: giáo dục, giao thông, năng lượng, nông nghiệp … thì mình tin rằng đất nước còn phát triển nhiều hơn nữa. Dù biết rằng đây là những mảng quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, tại sao không outsourcing hoặc tư nhân hoá từng phần được nhỉ? 🙂
  • Ở thời đại công nghệ phát triển này, tiền có thể mua được tất cả. Tuy nhiên, không phải kẻ nào có nhiều tiền là có thể thắng trong cuộc chơi. Chỉ những ai chấp nhận thay đổi thì sẽ có nhiều cơ hội thắng hơn kẻ khác.
  • Quay lại câu chuyện về ngành vận tải. Đến một lúc nào đó, mô hình như các công ty vận tải truyền thống sẽ lùi vào dĩ vãng. Nó buộc phải thay đổi sang một dạng thức cao hơn. Trong đó, mô hình như Grab/Uber có lẽ là một lựa chọn hợp lý. Xa hơn nữa là dạng thức kết hợp nhiều dịch vụ vận tải để đem lại trải nghiệm và giá cả tốt hơn cho ngừơi dùng.

Những dạng dịch vụ kết nối giữa cung và cầu như Uber/Grab trong thời gian tới sẽ bùng phát. Trong năm 2016, đi đâu mình cũng nghe nói về những hình thức biến tấu của mô hình này trong các startup. Dù sao đi nữa thì mô thức này cũng tốt, nó giáo dục người mua và ngừoi cung cấp dịch vụ trở nên ‘thông minh hơn’. Dù ý tưởng nào có thất bại hay thành công thì nó cũng đem lại lợi ích cho rất nhiều người.

Tại sao không?